Tầm quan trọng của việc vệ sinh căn cứ

phucbocau

Moderator
Thành viên BQT
Hầu hết trong các trang trại chăn nuôi (nói chung) & trong các căn cứ bồ câu (nói riêng) đều có sẵn mầm bệnh. Khi thời tiết mưa nắng thất thường là lúc thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh.
Để ngăn ngừa dịch bệnh, một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả & ít tốn kém là sát trùng chuồng trại. Mục đích của việc sát trùng chuồng trại là giảm số tác nhân gây bệnh đến mức không còn là mối đe dọa tới sức khỏe chiến binh, từ đó giảm thiểu chi phí điều trị.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc sát trùng, mỗi loại có những tính năng khác nhau, có loại công hiệu với vi sinh vật này nhưng loại khác thì không từ đó giá cả cũng khác nhau.

Những yêu cầu của thuốc sát trùng:
1. Tính hiệu quả: Thuốc sát trùng phải hiệu quả với nhiều loại mầm bệnh khác nhau (phổ diệt khuẩn rộng).
2. Tính an toàn: Thuốc phải an toàn với chiến binh & người sử dụng.
3. Giá cả hợp lý.
4. Thân thiện môi trường.
5. Dễ pha chế & bảo quản.
6. Không gây hư hại dụng cụ, chuồng trại.

Phân loại và đặc tính của các loại thuốc sát trùng:
Trên thị trường hiện nay có 4 nhóm thuốc sát trùng được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực chăn nuôi:
- Nhóm Chlorine, Iodine và Iodophors.
- Nhóm Peroxide.
- Nhóm Ammonium bậc 4.
- Nhóm Aldehydes.

1. Nhóm I: gồm những gốc Chlorine, Iodine, Iodophors:
Nhóm này có phổ tác dụng rộng, nghĩa là có khả năng thấm sâu qua màng tế bào và gây rối loạn chức năng của hệ thống enzyme cần thiết nên có thể diệt được vi khuẩn, virus, nấm, bào tử nấm và tảo. Đây là nhóm thuốc có tính an toàn cao nên còn được dùng sát trùng nước uống. Điểm hạn chế của nhóm này là có tính ăn mòn kim loại và gỗ. Các loại thuốc sát trùng thuộc nhóm này được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi và xử lý môi trường nước nuôi thủy sản gồm có Chloramin T, Chloramin B, Biodine, Biocid, Han-Iodine, Vime-Iodine, Lindores 30…

2. Nhóm II: gồm gốc Peroxide
Nhóm Peroxide tác dụng sát trùng theo cơ chế oxy hóa nên tính ăn mòn và độc tính thấp. Điểm hạn chế của nhóm này là không diệt hoặc diệt yếu virus, do đó thường được sử dụng phối hợp với một số thuốc khác có khả năng diệt mạnh virus. Ngoài ra, Phenol cũng thuộc nhóm này nhưng vì phenol có tính độc cao (phá hủy thành tế bào, đông kết protein, gây kích ứng mô) nên ít được sử dụng. Nhóm này có các loại thuốc sát trùng như Prophyl, Crezol, Virkon..

3. Nhóm III: gồm gốc Ammonium bậc 4
Nhóm này chỉ cho hiệu quả đạt 99% đối với vi khuẩn (do thành vi khuẩn có tính hấp thụ chất này rất cao), còn đối với một số loại virus và nấm thì không có hiệu quả. Nhóm này có độc tính thấp, không ăn mòn, vì vậy thường được sử dụng sát trùng chuồng trại ở thời điểm không có dịch hoặc trong vùng đang bị dịch đe doạ. Các loại thuốc thuộc nhóm này như Bestaquam, TH4, Bioxide, Pacoma, BKC, BKA (Benzalkonium)

4. Nhóm IV: gồm gốc Aldehydes
Có phổ tác dụng rộng, diệt mạnh các loại vi khuẩn, virus, nấm, bào tử và ký sinh trùng. Tuy nhiên, nhóm này có tính độc khá cao đối với người và vật nuôi; vì vậy thường được sử dụng với nồng độ thấp và kết hợp với thuốc sát trùng thuộc nhóm có độ độc thấp. Đồng thời, không sử dụng khi có gia súc, gia cầm đang trong chuồng.
Các loại thuốc thuộc nhóm này như Formol (formaldehyde), Protectol, Biosept, Intercept, Cid 20, All-cide…

Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc sát trùng
- Nhiệt độ: Nếu nhiệt độ tăng 10 độ C thì hiệu quả sát trùng tăng cao gấp 2 lần. Để nâng cao hiệu quả thuốc sát trùng quan trọng là quản lý nhiệt độ thuốc sát trùng.
- Cần chú ý các chất clo, iod, formadehyde sẽ bay hơi trong nhiệt độ cao làm giảm hiệu quả sát trùng.
- Độ pH: Clo và formandehyde mạnh trong môi trường axit, yếu trong môi trường kiềm.
- Chất hữu cơ: Cần loại trừ vì nó ngăn chặn không cho thuốc sát trùng xâm nhập vào các tác nhân gây bệnh.

Nguyên tắc sử dụng thuốc sát trùng an toàn & hiệu quả
- Đọc kỹ & thực hiện đúng theo hướng dẫn.
- Pha đúng nồng độ theo yêu cầu của nhà sản xuất.
- Dùng nước, bàn chải cọ rửa sạch các chất bẩn bám vào tường, nền chuồng, máng ăn, uống trước khi phun thuốc.
- Xịt thuốc đủ ướt (1lít thuốc đã pha xịt 2,5 - 3m2 bề mặt).
- Không để thuốc đậm đặc dính vào mắt.
- Thỉnh thoảng thay đổi thuốc sát trùng để tránh lờn thuốc.

BẢNG PHÂN LOẠI & ĐẶC TÍNH CÁC LOẠI THUỐC SÁT TRÙNG
thuoc.jpg




Nguồn tin: Tổng hợp​
 
Top